Kết thúc tháng Mười, VN Index đóng cửa ở 1264 điểm, tăng 1,04% trong quý 3/2024. Giá trị khớp lệnh (GTKL) bình quân trên sàn HOSE đạt 14.157 tỷ đồng/phiên, giảm 20% so với mức bình quân của quý trước. Một vài điểm nhấn quý 3 trên thị trường gồm có:
(!) Tỷ giá USD/VND đã tăng mạnh trở lại trong những tuần cuối tháng Mười, khi chỉ số DXY tăng trở lại trên mức 104 điểm và lãi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh 12 tuần. Sự mạnh lên của đồng USD trong bối cảnh triển vọng vĩ mô toàn cầu còn nhiều điểm quan ngại khiến dòng vốn ngoại trên TTCK Việt Nam vẫn đang ở trạng thái quan sát. Trong tháng Mười, NĐT nước ngoài bán ròng nhẹ 2.855 tỷ đồng qua hình thức khớp lệnh.
(2) Tháng 10 ghi nhận những tín hiệu lạc quan khi GDP quý III tăng mạnh 7,4% so với cùng kỳ . Tính từ đầu năm, GDP của Việt Nam đã tăng 6,82% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo là động lực chính, tăng trưởng 9,76% và đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào tổng tăng trưởng. Theo đó, so với cùng kỳ, doanh thu của các doanh nghiệp trên sàn HSX ghi nhận mức tăng 4,63% trong khi lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức tăng trưởng 29%.
(3) Trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10/2024, Việt Nam đã hoàn thiện bộ máy lãnh đạo thượng tầng chính trị với nhiều sự kiện quan trọng. Đáng chú ý, vào tháng 8, Đại tướng Tô Lâm được Quốc hội bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, giữ vai trò lãnh đạo cao nhất. Tiếp đó, vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024), Quốc hội đã bầu Đại tướng Lương Cường giữ chức Chủ tịch nước. Những thay đổi này giúp củng cố và ổn định bộ máy lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước
(4) FTSE Russell tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên Thị trường mới nổi thứ cấp trong kỳ đánh giá tháng 10/2024. Mặc dù có tiến triển, nhưng Việt Nam vẫn cần cải thiện hệ thống thanh toán “DvP” và quy trình mở tài khoản mới để đáp ứng tiêu chí. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68, có hiệu lực từ ngày 2/11/2024, nhằm loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước 100% đối với nhà đầu tư nước ngoài. Việc nâng hạng có thể được xem xét vào tháng 3/2025, với chính thức triển khai vào 2026. Ước tính, thị trường Việt Nam nếu được nâng hạng có thể thu hút 500-600 triệu USD từ các quỹ chỉ số.
(5) Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang đồng loạt đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế, trong đó tập trung vào việc điều chỉnh lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đánh dấu quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ bằng mức cắt giảm 50 bps trong tháng 9 và đang cân nhắc thêm hai đợt cắt giảm lãi suất (0,25 điểm phần trăm mỗi đợt) vào tháng 11 và 12, để kiểm soát lạm phát và kích thích thị trường lao động. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã giảm lãi suất xuống 3,25% lần thứ ba trong năm 2024 để đối phó với tình trạng lạm phát thấp và tăng trưởng yếu ở Eurozone. Trước đó, vào cuối tháng 9, Trung Quốc đã công bố các biện pháp kích thích kinh tế nhằm đối phó với tình trạng giảm phát, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm và giảm lãi suất mua lại đảo ngược 0,2 điểm phần trăm, bơm thêm 141,7 tỷ USD vào thị trường.