Ngày 29/10/2024, trong chuyến thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Việt Nam và UAE đã chính thức nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác toàn diện – UAE là nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện đầu tiên với Việt Nam tại Trung Đông. Đáng chú ý, Việt Nam cũng đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với UAE – Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên giữa Việt Nam và một quốc gia Trung Đông. •
Việc nâng cấp quan hệ và hoàn tất đàm phán CEPA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và UAE trên nhiều phương diện bao gồm chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, pháp luật và tư pháp cũng như trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp, đầu tư, ngành công nghiệp Halal, văn hóa, du lịch, năng lượng, khoa học, công nghệ và hợp tác đổi mới sáng tạo.
UAE cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 99% kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang UAE. Hiệp định CEPA là FTA gồm 18 chương, 15 phụ lục và 2 thư song phương, nội dung bao gồm: thương mại hàng hóa & dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS), hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ và các vấn đề về pháp lý – thể chế. Đáng chú ý, UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang UAE, trong khi Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 98,5% kim ngạch xuất khẩu từ UAE sang Việt Nam. Hiệp định cũng bao gồm nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư, phù hợp với xu hướng hiện nay về chuyển đổi số và xu hướng phát triển xanh.
CEPA sẽ thúc đẩy thương mại song phương trong thời gian tới. Mặc dù xuất khẩu sang UAE không tăng trưởng mạnh trong 10 năm qua, UAE vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4 – 5 tỷ USD/năm. Trong 9 tháng đầu năm 2024 (9T 2024), kim ngạch xuất khẩu sang UAE đạt khoảng 4,3 tỷ USD (+43,6% YoY; chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9T 2024). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ UAE khá khiêm tốn, với giá trị nhập khẩu hàng năm dưới 1,0 tỷ USD (kim ngạch nhập khẩu trong 9T 2024: 653,5 triệu USD; +21% YoY, chỉ chiếm 0,2% tổng kim ngạch nhập khẩu trong 9T 2024). Với CEPA được ký kết, 2 nước hướng tới mục tiêu thương mại song phương sẽ vượt mức 10 tỷ USD trong thời gian tới.
Loại bỏ rào cản thuế quan mở đường cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam tiếp cận UAE. Trong 9T 2024, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang UAE bao gồm: Điện thoại & linh kiện (2,5 tỷ USD; chiếm 58,9% tổng kim ngạch xuất khẩu sang UAE); Máy móc thiết bị (381 triệu USD; chiếm 8,8%) và Máy tính cá nhân & các mặt hàng điện tử (357 triệu USD; chiếm 8,3%). Ngoài các mặt hàng điện tử và máy móc, chúng tôi kỳ vọng các sản phẩm chủ lực khác của Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi thuế được xóa bỏ, bao gồm: giày dép, hàng dệt may, sản phẩm nông nghiệp (hạt điều, tiêu, trái cây và rau củ), sản phẩm thủy sản và gỗ & sản phẩm từ gỗ.
Thị trường Halal là một thị trường tiềm năng lớn đang chờ khai thác. Theo báo cáo Global Muslim Index năm 2022 của công ty du lịch Crescent Rating (Singapore), dân sốHồi giáo toàn cầu đạt khoảng 2,1 tỷ người trong năm 2022, tương đương 25% dân số thế giới. Trong khi đó, khu vực Trung Đông có khoảng 400 triệu người và Hồi giáo là tôn giáo lớn nhất. Hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường không chỉ sang UAE mà còn sang các quốc gia khác ở Trung Đông và cả Châu Phi có dân số theo đạo Hồi, và theo đó có nhu cầu về thực phẩm Halal. Việt Nam đã công bố tiêu chuẩn quốc gia về “tổ chức chứng nhận Halal” vào năm 2023 và thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia vào năm 2024 (hiện tại Việt Nam chỉ có 20 mặt hàng xuất khẩu Halal).
Cơ hội thu hút FDI từ UAE. FDI lũy kế từ UAE vào Việt Nam đạt 74,1 triệu USD tính đến tháng 9/2024, xếp thứ 52 trong số 144 quốc gia/cùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng với việc nâng cấp quan hệ và ký kết CEPA, Việt Nam có thể thu hút thêm nhiều vốn đầu tư từ UAE.