BÁO CÁO VIỆC LÀM PHI NÔNG NGHIỆP THÁNG 12/2024 CỦA MỸ: DỮ LIỆU TỐT TOÀN DIỆN
Theo báo cáo từ Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), khảo sát từ phía doanh nghiệp cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra +256.000 việc làm phi nông nghiệp trong T12/2024. Con số này tăng so với mức +212.000 việc làm (đã điều chỉnh giảm) của T11 liền trước và cũng cao hơn dự báo của các nhà kinh tế ở mức +164.000 việc làm. Việc làm tăng thêm T12 tích cực thổi bay mọi dự báo và cũng là mức tốt nhất kể từ T4/2024.
Xu hướng “chỉnh sửa giảm dữ liệu tháng trước” vẫn tiếp diễn nhưng ở mức độ nhẹ nhàng hơn: Dữ liệu T10 điều chỉnh tăng +7.000 (từ +36.000 lên +43.000) và dữ liệu T11 điều chỉnh giảm -15.000 (từ +227.000 xuống còn +212.000). Với điều chỉnh này, tổng số việc làm tăng thêm trong T10 và T11 thấp hơn -8.000 so với các báo cáo trước đó.
Chính phủ và Giáo dục & chăm sóc sức khoẻ (vốn được dẫn dắt bởi Chính phủ) vẫn là 2 lĩnh vực quen thuộc tạo ra nhiều việc làm, lần lượt +33.000 và +80.000 việc làm. Giải trí & khách sạn đóng góp +43.000 và Thương mại (bán lẻ…) cũng bật tăng +49.000 việc làm mới khi bước vào mùa lễ hội.
Khảo sát từ phía hộ gia đình cũng cho thấy một bước nhảy vọt rất đáng kể về việc làm tăng thêm, ở mức +478.000 việc làm, tốt nhất kể từ T11/2023 và xác nhận mạnh mẽ cho số liệu khảo sát từ phía doanh nghiệp (+256.000 việc làm).
Tỷ lệ thất nghiệp U3 giảm xuống mức ở mức 4,1% trong T12/2024, đều thấp hơn so với dự báo và T11 trước đó, ở mức 4,2%. Một thước đo rộng hơn về tình trạng thất nghiệp là tỷ lệ thất nghiệp khiếm dụng U6 (bao gồm số người lao động thoái chí đang thất nghiệp nhưng không cố tìm việc trong vòng 4 tuần và lao động bán thời gian đang tìm việc làm toàn thời gian) cũng giảm mạnh xuống mức 7,5%, từ mức 7,7% trước đó.
Số lượng người thất nghiệp dài hạn (thất nghiệp từ 27 tuần, tức 6 tháng trở lên) cũng có sự sụt giảm, ở mức 1.551.000 người vào T12. Thất nghiệp dài hạn chiếm 22,4% tổng số người thất nghiệp, giảm từ mức 23,2% của T11 liền trước cũng là điểm tích cực của dữ liệu thất nghiệp.
Khía cạnh tiền lương trong Báo cáo việc làm phi nông nghiệp T12/2024: Thu nhập trung bình hàng giờ tăng +0,3% so với tháng trước (MoM) và tăng +3,9% so với cùng kỳ năm trước (YoY), đều thấp hơn các con số được ghi nhận trong T11 trước đó.
KHẢO SÁT TÂM LÝ TIÊU DÙNG T1/2025 CỦA ĐẠI HỌC MICHIGAN: CẢM NHẬN KINH TẾ TỐT VÀ KỲ VỌNG LẠM PHÁT TĂNG ĐỘT BIẾN
Cảm nhận về điều kiện kinh tế hiện tại tiếp tục tăng cao vào T1/2025, đạt mức 77,9, sau khi đã có bước “đột phá” trong T12 liền trước. Đây cũng là mức cao nhất được ghi nhận kể từ T4/2024. Niềm tin tiêu dùng và kỳ vọng tiêu dùng tương lai tiếp tục ổn định, lần lượt ở mức 73,2 và 70,2.
Vấn đề đáng lo ngại nhất trong báo cáo này là Kỳ vọng lạm phát 1 năm tới và Kỳ vọng lạm phát 5 – 10 năm đều tăng rất mạnh so với trước đó, đạt mức 3,3%. Kỳ vọng lạm phát 5 – 10 năm tới thậm chí còn ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 2008. Khảo sát tâm lý tiêu dùng của Đại Học Michigan đang bắt đầu cho thấy sự xuất hiện của tâm lý “lo sợ lạm phát” trở lại – động cơ mua trước để tránh giá tăng trong tương lai và sự gia tăng của tâm lý này sẽ tạo ra động lực cho lạm phát thực tế.
Thị trường cổ phiếu và trái phiếu lao dốc (lợi suất tăng) trong khi Đồng USD tăng vọt trong phiên giao dịch cuối tuần, khi thị trường hấp thụ dữ liệu việc làm và tâm lý tiêu dùng mạnh mẽ, khiến giới đầu tư càng đặt cược vào việc chậm lại quá trình cắt giảm lãi suất của Fed. Hiện tại thị trường gần như cho rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất ở vùng 4,25 – 4,5% trong kỳ họp 29/1 tới đây, và kỳ vọng cắt giảm lãi suất FFR trong cả năm 2025 chỉ còn duy nhất 1 lần.
—> GIỚI ĐẦU TƯ TOÀN CẦU ĐANG QUAY TRỞ LẠI BỐI CẢNH: TIN TỐT CHO KINH TẾ LÀ TIN XẤU CHO THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN.
Sơn Nguyễn Smart Stock – Happy Investing !!!