Ngành sản xuất tăng trưởng chậm lại do nhu cầu quốc tế yếu ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu
Giá trị xuất khẩu trong tháng 11 tăng 8.2% svck, chủ yếu được đóng góp bởi Xơ và sợi dệt (+68.7%), hạt tiêu (+37.3%), và sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ (+33.8%), trong khi giá trị nhập khẩu tăng 9.8% svck. Trong 11T2024, xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 14.4% và 16.4%, đưa thặng dư thương mại lên 24.31 tỷ USD. Các hoạt động sản xuất tiếp tục giữ đà tăng trưởng ổn định với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8.9% svck. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của ngành sản xuất giảm nhẹ so với tháng trước khi chỉ số PMI giảm từ mức 51.2 điểm của tháng 10 xuống mức 50.8 trong tháng 11 do số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm trong bối cảnh nhu cầu quốc tế còn yếu.
Lạm phát tiếp tục hạ nhiệt với CPI bình quân 11T2024 tăng 3.7% svck
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 tăng nhẹ 0.13% so với tháng trước và tăng 2.77% svck, chủ yếu do giá điện tăng 7.8% svck sau khi EVN điều chỉnh tăng giá điện vào đầu tháng 10. Tuy vậy, áp lực lạm phát phần nào được giảm bớt nhờ giá xăng dầu trong nước giảm trên mức nền cao của năm ngoái. Theo đó, chúng tôi dự đoán CPI bình quân năm 2024 sẽ tăng 3.9% svck, được hỗ trợ bởi sự sụt giảm của giá xăng dầu trong bối cảnh nhu cầu phục hồi tương đối chậm. Tuy vậy, áp lực lạm phát vẫn hiện hữu khi giá thép và vật liệu xây dựng nội địa dự kiến sẽ phục hồi, cùng với đó là rủi ro về việc giá cả hàng hóa tăng do các xung đột địa chính trị lan rộng có thể gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Chúng tôi kỳ vọng GDP cả năm 2024 sẽ tăng 7.0% – 7.1%
Dựa trên kết quả kinh tế tích cực trong Q2 và Q3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng đạt 7.6% – 8% trong Q4, nhằm đạt được hoặc thậm chí vượt qua mục tiêu tăng trưởng cả năm của Chính phủ là 7%. Theo đó, chúng tôi đã nâng dự báo GDP năm 2024 lên 7.0% – 7.1%, mặc dù ngành sản xuất đã ghi nhận mức tăng trưởng khá khiêm tốn trong thời gian gần đây.