Luật Điện lực sửa đổi sẽ mở đường cho hoạt động mua bán điện trực tiếp và tăng cường tính khả thi của các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Chưa có hoạt động mua bán điện trực tiếp (DPPA) nào được thực hiện kể từ khi nghị định quy định về cơ chế DPPA được ban hành vào tháng 7/2024 cho đến thời điểm hiện tại. Từ ngày 21/10/2024, Quốc hội sẽ xem xét các đề xuất sửa đổi Luật Điện lực, bao gồm cả khung pháp lý liên quan đến hoạt động DPPA. Ngay sau khi luật mới được ban hành, chúng tôi kỳ vọng Bộ Công Thương (BCT) và các cơ quan liên quan sẽ hoàn thiện các chính sách và hướng dẫn thực hiện DPPA.
Các quy định mới trong Luật Điện lực sẽ luật hóa quyền và trách nhiệm của các bên tham gia DPPA và thúc đẩy BCT trong việc ban hành các hướng dẫn triển khai cơ chế DPPA. Các bên tham gia thị trường vẫn đang chờ đợi hướng dẫn từ cơ quan quản lý về nhiều khía cạnh kỹ thuật, như mức phí truyền tải, phí dịch vụ hệ thống điện, cũng như quy trình theo dõi và giám sát hoạt động các bên tham gia DPPA. Việc sửa đổi Luật Điện lực là cần thiết để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia DPPA. Chúng tôi kỳ vọng rằng BCT sẽ ban hành thêm các quy định và quy trình chi tiết hướng dẫn cho các đơn vị phát điện và đơn vị mua điện sau khi luật mới được thông qua. Triển khai thành công DPPA sẽ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao tính khả thi của các dự án năng lượng tái tạo (NLTT – điện gió và điện mặt trời) tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy hoạt động vận hành thương mại của các dự án NLTT chuyển tiếp trong 5 năm qua.
Trong những năm qua, vấn đề liên quan đến hạ tầng năng lượng và quy trình pháp lý đã khiến các dự án NLTT không thể vận hành hết công suất và cản trở việc triển khai các dự án mới. Sự phát triển nhanh chóng của các dự án NLTT tại Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong những năm gần đây dẫn đến sự gia tăng sản lượng điện vượt quá khả năng chịu tải của hệ thống truyền tải khu vực. Hệ quả là nhiều nhà máy NLTT chịu tổn thất về kinh tế do phải hoạt động dưới công suất tối ưu. Bên cạnh đó, các dự án NLTT chuyển tiếp gặp khó khăn trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý và quy định cần thiết để có thể vận hành thương mại. Đối với các dự án chuyển tiếp đã vận hành thương mại, trước khi có cơ chế DPPA, các dự án này chỉ có thể bán điện cho EVN với mức giá tạm, thấp hơn đáng kể so với mức giá FIT tại thời điểm bắt đầu phát triển dự án. Những khó khăn này không chỉ làm ảnh hưởng khả năng hoạt động của các dự án NLTT mà còn kìm hãm dòng vốn đầu tư mới trong hai năm qua.
Dòng tiền hoạt động yếu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều trái phiếu NLTT chậm trả gốc/lãi và tỷ lệ thu hồi nợ ở mức thấp. Trong hai năm qua, có tổng cộng 19 nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi 16 doanh nghiệp đã gặp tình trạng chậm trả. Đáng chú ý là 90% số trái phiếu chậm trả này liên quan đến các dự án NLTT chuyển tiếp. Những dự án này hoặc là chưa thể vận hành thương mại hoặc là đang phải bán điện với mức giá thấp hơn nhiều so với dự phóng ban đầu. Một số trái phiếu chậm trả đã được các trái chủ chấp thuận gia hạn gốc trái phiếu lên đến 2 năm, với kỳ vọng rằng tình hình kinh doanh và dòng tiền của dự án sẽ được cải thiện dần. Trong số các tổ chức phát hành thuộc nhóm ngành NLTT, chúng tôi nhận thấy rằng các tập đoàn năng lượng lớn có hoạt động đa dạng hơn, như Trung Nam Group, BCG Energy và BB Sunrise Power, có khả năng giải quyết nợ có vấn đề nhanh chóng hơn so với các tổ chức phát hành chỉ có duy nhất một dự án.
Trong dài hạn, DPPA sẽ hỗ trợ đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch ngày càng tăng của Việt Nam và thúc đẩy tiến trình đạt được các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII (PDP8), đồng thời đẩy mạnh hoạt động đầu tư mới và phát hành trái phiếu trong ngành năng lượng. Các doanh nghiệp sẽ có thể mua điện trực tiếp từ các đơn vị phát điện NLTT, qua đó thúc đẩy tiến trình chuyển dịch năng lượng của mình. Điều kiện kinh doanh của ngành NLTT được cải thiện – thông qua việc triển khai hiệu quả DPPA – sẽ thu hút các dòng vốn đầu tư mới để đáp ứng nhu cầu vốn cho các mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VIII.