Chúng tôi đã tham dự buổi gặp gỡ nhà đầu tư của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã cổ phiếu: PNJ). Về phía doanh nghiệp có sự tham gia của Ban lãnh đạo Công ty. Một số nội dung chính chúng tôi muốn đề cập như sau:
Vấn đề nguồn cung vàng vẫn là rủi ro trọng yếu cho hoạt động kinh doanh của PNJ
Như đã đề cập, việc thiếu hụt nguồn cung vàng đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của PNJ trong Q3/2024.PNJ đã xử lý tạm thời việc thiếu hụt nguồn cung vàng bằng cách:
1. Mảng bán lẻ trang sức: PNJ tái cấu trúc danh mục sản phẩm:
- Đẩy mạnh các sản phẩm tập trung vào yếu tố thiết kế nhiều hơn, sử dụng nhiều đá quý hơn hoặc hàm lượng vàng ít hơn
- Đối với các sản phẩm trang sức không được ưa chuộng, PNJ cho tiến hành phân kim và tái chế thành các sản phẩm trang sức theo tiêu chí vừa nêu trên.
Qua đó, PNJ cho rằng họ vẫn đảm bảo được nguồn hàng trang sức đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
2. Mảng vàng 24K: PNJ, cũng như nhiều chuỗi kinh doanh vàng khác, hoạt động cầm chừng ở mảng này.
Tuy doanh thu vẫn tăng trưởng nhưng chi phí cũng tăng tương ứng do hoạt động phân kim sản phẩm cũ để lấy nguyên liệu làm sản phẩm mới. Trong Q3/2024, PNJ cho biết chi phí nguyên liệu gia tăng khiến biên lợi nhuận gộp chỉ tăng 2,2 ppts so với quý trước và xu hướng này sẽ tiếp tục trong Q4/2024.
Quan sát các diễn biến thị trường vàng gần đây, chúng tôi nhận thấy các quy định về kinh doanh vàng chưa có dấu hiệu được nới lỏng. Trong vòng hai tháng gần đây, thị trường kinh doanh vàng và trang sức có những diễn biến đáng chú ý sau:
- Hai cửa hàng của SJC tại Đà Nẵng tạm thời dừng kinh doanh một thời gian ngắn.
- Các cửa hàng kinh doanh vàng của cả các chuỗi có tên tuổi như Doji, PNJ và các cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ giới hạn thu mua vàng miếng và vàng nhẫn, vàng nữ trang các thương hiệu khác, kể cả thương hiệu SJC (trong khi trước đây, vàng thương hiệu SJC luôn được ưu tiên thu mua)
- Việc thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của cơ quan chức năng đã bước đầu có kết quả.
Nếu không có sự thay đổi trong việc siết chặt quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng đây sẽ vẫn là rủi ro trọng yếu cho PNJ. Và nếu kéo dài, không chỉ mảng kinh doanh vàng 24K bị ảnh hưởng mà mảng bán lẻ trang sức cũng sẽ bị tác động đáng kể.
Bằng những giải pháp linh hoạt, doanh số bán lẻ trang sức của PNJ tiếp tục mở rộng trong Q3/2024
Trong Q3/2024, PNJ ghi nhận sự tiếp tục tăng trưởng ở mức 20% và 54% svck của doanh thu mảng bán lẻ và bán sỉ trang sức trong khi mảng kinh doanh vàng 24K giảm mạnh svck ở mức 46% do việc thiếu hụt nguồn cung. Doanh thu của toàn công ty đạt 7.130 tỷ, +3% svck.
Lợi nhuận ròng đạt 215 tỷ, -15% svck do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (BH&QLDN) tăng mạnh khi công ty đang tiếp tục đầu tư phát triển mở rộng mạng lưới kinh doanh cùng với việc đóng khoản nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp đột biến đến từ yếu tố hạch toán kế toán chưa được kịp thời xử lý trong tháng 9. Do đó, mặc dù biên lợi nhuận gộp gần như không đổi svck trong Q3, biên lợi nhuận ròng giảm 0,7 ppts svck.
Gộp chung 9T2024, cả ba mảng kinh doanh của PNJ đều ghi nhận tăng trưởng tuy tốc độ tăng trưởng là khác nhau. Doanh thu mảng bán lẻ và bán sỉ trang sức lần lượt tăng16% svck và 30% svck, được hỗ trợ bởi số lượng khách hàng tiếp tục tăng và nhu cầu tiêu dùng quay trở lại, nhất là trong Q3. Doanh thu mảng vàng 24K tăng 44% svck được hỗ trợ bởi nhu cầu cao trong nửa đầu năm khi giá vàng tăng. Trong khi đó, nhu cầu trang sức vàng và vàng miếng của cả nước lần lượt giảm 12,4% và tăng 11,0% svck, đạt 9,9 tấn và 33,9 tấn. Như vậy, PNJ đã gia tăng thị phần đáng kể. Doanh thu toàn công ty đạt 29.242 tỷ, +25% svck.
Đến cuối Q3/2024, PNJ có 418 cửa hàng bán lẻ, tăng thêm 18 cửa hàng so với cuối năm 2023. Tốc độ mở cửa hàng khá chậm trong nửa đầu năm nhưng trong Q3 PNJ đã tăng tốc độ mở cửa hàng, thêm 13 cửa hàng trong quý này.
Biên lợi nhuận ròng giảm 1,0 ppts svck, đạt 4,7% và lợi nhuận ròng đạt 1.382 tỷ, +3% svck. Biên lợi nhuận gộp giảm 1,7 ppts svck do sự gia tăng tỷ trọng của mảng vàng 24K trong tổng doanh thu vốn mang lại biên lợi nhuận thấp hơn cũng như việc thiếu hụt nguồn cung vàng khiến đẩy giá vàng nguyên liệu lên cao hơn. Trong khi đó, tỷ lệ chi phí BH&QLDN/doanh thu giảm 0,7 ppts svck nhưng không đủ bù đắp cho sự sụt giảm của biên lợi nhuận gộp.
PNJ đang nắm giữ một lượng hàng tồn kho khá tốt, tuy cần đánh giá thêm về tính bền vững
Vào ngày 30/9/2024, giá trị hàng tồn kho của PNJ là 10.802 tỷ, tương đương với mức cuối năm 2023 và ước tính vào khoảng 5 tấn vàng, trong đó gần 95% là thành phẩm và hàng hóa. Trong khi đó, chúng tôi ước tính lượng vàng bán ra của PNJ trong Q3/2024 là 3,0 tấn vàng. Như vậy, PNJ đã mua thêm vào được khoảng 3,5 tấn vàng trong Q3/2024. Trong điều kiện thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung, đây hoàn toàn là lợi thế vượt trội so với toàn bộ thị trường. Tuy nhiên, như đã đề cập ở phần đầu báo cáo này, nhà đầu tư cần quan sát thêm về diễn biến thị trường vàng để đánh giá về tính bền vững của lượng hàng tồn kho này.
Chúng tôi cũng nhận thấy khoản phải trả của doanh nghiệp tăng nhanh trong 9T/2024, đạt 653 tỷ, +156,5% so với cuối năm 2023. PNJ lý giải điều này do chênh lệch về kỳ hạch toán. Cụ thể, công ty nhập khẩu một lượng hàng hóa (có thể là nữ trang hoàn thiện, đá quý, kim cương đính trên trang sức…) trong kỳ và lượng hàng này chưa đến kỳ thanh toán, làm phát sinh khoản phải trả lớn.
Thông tin cập nhật về các kế hoạch phát triển của PNJ
PNJ đang phát triển nhà máy Long Hậu: nhà máy này sẽ có dây chuyền sản xuất mới, là lý do số lượng nhân sự của PNJ tăng 8,0% trong Q3/2024. Theo PNJ, việc phát triển này nhằm áp dụng công nghệ mới giúp sản xuất sản phẩm cùng độ cứng nhưng yêu cầu lượng vàng ít hơn, đồng thời phục vụ cho việc dịch chuyển theo tiêu chuẩn ESG.
Mảng kinh doanh mới: PNJ công bố mảng kinh doanh mới – sản phẩm phụ kiện dành cho quý ông, trong Q4/2024, PNJ sẽ tiến hành các shop-in-shop dành cho sản phẩm này. Ngoài ra, PNJ còn có kế hoạch hợp tác với các thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới và dự kiến ra mắt vào Q1/2025.