- Sản lượng tiêu thụ điện toàn hệ thống duy trì tăng trưởng trong 9T/2024 nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất công nghiệp và nhu cầu tiêu thụ điện dân dụng. Chúng tôi cho rằng nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, cùng với đó là sự cải thiện về KQKD của các công ty điện nói chung.
- Riêng với nhóm các công ty thủy điện, chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm tích cực với kỳ vọng (1) sản lượng tăng trưởng tích cực so với 2024 nhờ chu kỳ La Nina đang diễn ra, và (2) giá bán điện bình quân trong năm 2025 của các công ty thủy điện sẽ khó giảm so với cùng kỳ, và có khả năng tăng khi tình hình tài chính của EVN có thể cải thiện.
Sản lượng tiêu thụ điện tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 – 2025
Trong tháng 9, ảnh hưởng của bão Yagi có ảnh hưởng nhẹ đến tăng trưởng sản lượng, song lũy kế 9T 2024, sản lượng điện thương phẩm vẫn duy trì mức tăng trưởng hai chữ số, đạt 208 tỷ kWh (+11,2% YoY) nhờ nhu cầu tiêu thụ điện phục hồi tới từ cả khối khách hàng sản xuất lẫn khách hàng tiêu thụ điện dân dụng.
Với xu hướng này, chúng tôi kỳ vọng sản lượng điện tiêu thụ sẽ đạt mức 275 tỷ kWh (+9,5% YoY) trong năm 2024 và 297 tỷ kWh (+8,0% YoY) trong năm 2025. Trong năm 2025, chúng tôi cho rằng đóng góp của thủy điện sẽ cao hơn nhờ chu kỳ thời tiết thuận lợi hơn, bên cạnh đó là nhiệt điện khí LNG với việc nhiệt điện than không còn dư địa để phát triển (tối đa 30,1 MW tới năm 2030, thực tế 6T 2024 đã đạt 29,5 MW). Nguồn NLTT mới hiện vẫn chờ hoàn thiện các cơ chế cần thiết để triển khai, còn điện khí thiên nhiên gặp vấn đề về nguồn cung nhiên liệu.
Về dài hạn, chúng tôi lưu ý rằng rủi ro thiếu điện vẫn hiệu hữu cho giai đoạn 2026-2030. Khu vực miền Bắc với nhu cầu phụ tải cực đại lên tới 23,6GW trong khi công suất lắp đặt chỉ 28,6GW, cho thấy tỷ lệ dự phòng rất thấp. Chúng tôi cho rằng khi chu kỳ El Nino quay trở lại, khu vực Miền Bắc vẫn còn rủi ro thiếu điện cục bộ trong giai đoạn cao điểm nắng nóng, với khả năng cao rơi vào năm 2026 – 2027. Việc phát triển các nguồn điện truyền thống như điện than, thủy điện gặp vấn đề giới hạn công suất như đã nêu trên, trong khi việc phát triển nhiệt điện khí LNG có rủi ro không kịp tiến độ quy hoạch trong giai đoạn 2025-2030, và các dự án Nhơn Trạch 3-4 của POW sẽ là dự án điện khí LNG hiếm hoi kịp vận hành trong giai đoạn này.
KQKD của các nhà máy thủy điện sẽ phục hồi trong năm 2025
Trong 9T 2024, sản lượng thủy điện toàn hệ thống đã tăng trưởng 13,0% lên 66 tỷ kWh và tỷ lệ huy động từ nguồn thủy điện bắt đầu cao hơn so với 9T 2023 do chu kỳ El Nino đã đi qua, trái ngược với diễn biến trong nửa đầu năm 2024. Theo quan điểm của chúng tôi, sản lượng các công ty thủy điện sẽ cải thiện từ nửa cuối năm 2024, và tăng trưởng tốt trong năm 2025 nhờ (1) chu kỳ thủy văn thuận lợi và (2) chi phí sản xuất thấp hơn các loại hình phát điện khác. Cụ thể, chi phí sản xuất điện/kWh các công ty thủy điện đa phần nằm ở mức 400 – 600 đồng/kWh, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 1.100 – 1.300 đồng/kWh của các công ty nhiệt điện than.