Duy trì khuyến nghị Trung tính: Mặc dù ngành Dệt may Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể, chúng tôi tin rằng môi trường kinh doanh năm 2025 vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu là từ những bất ổn về địa chính trị. Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị Trung tính cho ngành Dệt may Việt Nam.
• Sự phân hóa giữa các phân khúc: Nhìn chung, ngành dệt may Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng xuất khẩu tích cực trong 10T 2024, với giá trị xuất khẩu tăng ở cả sợi và hàng dệt may. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng không đồng đều giữa hai phân khúc, với sản phẩm dệt may duy trì đà tăng trưởng cao, trong khi tốc độ tăng trưởng XK sợi dần thu hẹp. Trong 10T 2024, xuất khẩu sợi và sản phẩm dệt may ước tính lần lượt là 3.7 tỷ USD (+0.3% CK; 7T 2024: +3.7% CK) và 30.6 tỷ USD (+10.5% CK; 7T 2024: +4.2% CK).
• Tăng trưởng thị phần hàng may mặc không đồng đều ở các thị trường chính: Tính đến cuối T10, thị phần hàng may mặc của Việt Nam tại các thị trường chính nhìn chung duy trì đà mở rộng, bao gồm Hoa Kỳ (18.5%; 2023: 18.2%), Nhật Bản (17.8%; 2023: 16.9%) và Hàn Quốc (28.5%; 2023: 28.7%). Thị phần của Việt Nam tại Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn ở mức cao, trong khi thị phần tại thị trường Hàn Quốc giảm nhẹ. Cùng lúc đó, thị phần hàng may mặc của Trung Quốc tại các thị trường này tiếp tục xu hướng giảm, mặc dù vẫn giữ vị trí hàng đầu.
• Sản xuất dệt may của Trung Quốc tiếp tục phục hồi: Tính đến cuối T9 2024, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất đối với XK sợi Việt Nam, chiếm 48.2% tổng giá trị XK sợi. Khối lượng sản xuất dệt may tại Trung Quốc tiếp tục xu hướng tăng và khối lượng sản xuất hàng may mặc cũng tăng trưởng dương trở lại.
• Sản xuất dệt may duy trì tăng trưởng: Sản xuất dệt may trong nước tiếp tục tích cực trong 10T 2024. IIP của mảng dệt và may mặc tăng lần lượt 12.1% CK và 10.3% CK. Ngoài ra, chỉ số việc làm trong ngành dệt và may mặc đều tiếp tục tăng trưởng.
• Giá bông duy trì ở mức thấp: Đến đầu T11, giá bông vẫn ở mức thấp, quanh mức 66 USD/pound, mức thấp nhất từ T10 2020. Điều này có thể báo hiệu nhu cầu đầu vào của chuỗi giá trị ngành dệt may suy giảm trong bối cảnh lo ngại suy thoái tại các thị trường tiêu thụ chính.
Triển vọng và rủi ro trong năm 2025
• Các thị trường chính tiếp tục tăng trưởng: Theo dự báo gần nhất của Ngân hàng Thế giới, GDP thực năm 2024 và 2025 cho các thị trường hàng dệt may chính của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, bao gồm Hoa Kỳ (2024: +2.5%, 2025: +1.8%); EU (2024: +0.7%, 2025: +1.4%); Nhật Bản (2024: +0.9%, 2025: +1%); và Trung Quốc (2024: +4.8%, 2025: +4.1%). Tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến sự phục hồi thu nhập và nhu cầu tại các thị trường này.
• Trump 2.0: Chúng tôi tin rằng Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tiếp tục chính sách thuế quan cứng rắn đối với các sản phẩm dệt may của Trung Quốc, điều này hỗ trợ các nhà cung cấp khác như Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ. Cùng với tình hình bất ổn gần đây ở Bangladesh, một đối thủ cạnh tranh tiềm năng, các công ty may mặc Việt Nam nhiều khả năng sẽ trở thành bên hưởng lợi.
• Chính sách tiền tệ tại các thị trường chính: Trong 10T 2024, một số Ngân hàng Trung ương phương Tây đã bắt đầu hạ lãi suất điều hành. Ngoài ra, trong bối cảnh lạm phát gần đây hạ nhiệt và các tín hiệu kinh tế suy yếu, kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất đã tăng lên ít nhất 1 điểm phần trăm vào năm 2024. Lãi suất điều hành thấp hơn sẽ hỗ trợ nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng dài hạn.
• Hàng tồn kho và doanh số bán hàng của các thương hiệu lớn: Đến cuối Q3 2024, tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh số bán hàng của các thương hiệu lớn như Nike, Inditex, GAP, H&M và Puma vẫn ở mức thấp hơn so với Q3 2023. Cụ thể, hàng tồn kho tiếp tục xu hướng giảm, trong khi xu hướng doanh thu giữa các thương hiệu lại ghi nhận sự trái chiều. Về mặt tích cực, mức tồn kho thấp hơn sẽ mang lại nhiều dư địa hơn cho việc bổ sung hàng tồn kho trong tương lai. Mặt khác, một số thương hiệu gần đây đã chứng kiến số liệu doanh thu yếu hơn, đây có thể là dấu hiệu của quan điểm thận trọng về nhu cầu trong tương lai và sự do dự về việc tăng mức hàng tồn kho.
• Niềm tin tiêu dùng ổn định: Nhìn chung, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại các thị trường chính vẫn ổn định trong 10T 2024. Các chỉ số tại Hàn Quốc, Nhật Bản và EU vẫn đi ngang. Chỉ số niềm tin của Hoa Kỳ đã phục hồi sau lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed vào T9 mặc dù đã giảm đáng kể so với số liệu đầu năm 2024, trong bối cảnh dữ liệu kinh tế suy yếu và lo ngại suy thoái gia tăng. Trong khi đó, người tiêu dùng tại Hoa Kỳ đã chứng kiến sự sụt giảm trong tiền tiết kiệm của hộ gia đình, báo hiệu không tốt cho tiêu dùng trong tương lai.
• Rủi ro ngắn hạn: Địa chính trị là rủi ro chính đối với nhu cầu dệt may trong thời gian còn lại của năm 2024 và 2025. Xung đột địa chính trị không có dấu hiệu hạ nhiệt với các động thái quân sự gần đây của Triều Tiên và Israel, mang lại rủi ro lớn cho kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây có thể làm giảm tiêu thụ các sản phẩm dệt may của Trung Quốc tại các thị trường trọng điểm, dẫn đến nhu cầu sợi tại Trung Quốc thấp hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu sợi của Việt Nam.
• Rủi ro dài hạn: Cùng với dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, các công ty dệt may có thể chịu áp lực từ chi phí lao động tăng. Ngoài ra, hiện nay, người lao động Việt Nam dễ dàng tìm kiếm việc làm ở nước ngoài hơn, làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về tiền lương trong nước.