- Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhờ tiêu dùng tư nhân
- Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và tác động lên kỳ vọng giảm lãi suất của Fed
- Tốc độ khác nhau trong lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed và các NHTW lớn khác
Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhờ tiêu dùng tư nhân
Nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong quý 3. Tốc độ tăng trưởng GDP trên cơ sở năm ước đạt 2,8%, giảm nhẹ so với mức tăng 3,0% trong quý trước. Trong đó, tiêu dùng cá nhân tăng 3,7% so với cùng kỳ, đóng góp 2,5 điểm % vào mức tăng chung, được hỗ trợ nhờ tăng trưởng tiêu dùng hàng hoá lâu bền (+8,1%, cao hơn mức tăng 5,5% trong quý trước).
Số liệu này cũng phù hợp với tốc độ thu nhập khả dụng thực tế của người dân Mỹ duy trì ở mức 2,6% trong 2 tháng 8 và 9. Bên cạnh đó, chi tiêu tiêu dùng thực tế của cá nhân tăng với tốc độ nhanh nhất từ đầu năm đạt mức 3,1% vào tháng 9. Sự bền bỉ của tiêu dùng còn thể hiện qua sự cải thiện trong niềm tin tiêu dùng của người Mỹ. Cụ thể, chỉ số niềm tin tiêu dùng Conference Board tăng lên 108,7 trong tháng 10 từ mức 99,2 trong tháng trước. Trong khi đó, chỉ số niềm tin tiêu dùng theo khảo sát của Đại học Michigan cũng cải thiện lên 70,5 từ mức 70,1 trong tháng 9.
Một trong những yếu tố tác động tích cực đến lĩnh vực tiêu dùng của Mỹ là thị trường lao động tiếp tục khả quan. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tháng 9 và tháng 10 ổn định ở mức 4,1%, thấp hơn mức 4,2% của tháng 8. Bên cạnh đó, tăng trưởng tiền lương cũng được duy trì, thu nhập khả dụng tăng 0,3% so với tháng trước trong tháng 9, cao hơn mức tăng 0,2% trong tháng 8. Đồng thời, thu nhập theo giờ của lao động khu vực tư nhân tiếp tục cải thiện, tăng 0,4% so với tháng trước trong tháng 10, cao hơn mức tăng 0,3% trong tháng trước.
Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và tác động lên kỳ vọng giảm lãi suất của Fed
Lạm phát trên đà đi xuống đã cho phép Fed bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất với mức cắt giảm lãi suất nửa điểm phần trăm về mức 4,75%-5,00% trong tháng trước. Tuy nhiên, sự gia tăng lợi suất trái phiếu Mỹ gần đây tiềm ẩn kỳ vọng về một quỹ đạo khác cho chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang. Kể từ khi Fed cắt giảm lãi suất lần đầu tiên đến nay, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng liên tục từ mức 3,7%/năm lên 4,3%/năm, tương ứng với mức tăng 60 điểm cơ bản. Hiện tại, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng cao hơn khoảng 20 điểm cơ bản so với đầu năm.
Thông thường, chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed sẽ đi cùng với việc lợi suất TPCP Mỹ giảm. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân có thể lý giải cho diễn biến ngược chiều của lợi suất TPCP và việc Fed cắt giảm lãi suất trong chu kỳ lần này. Đầu tiên là số liệu kinh tế Mỹ tích cực hơn dự báo thể hiện qua báo cáo về tăng trưởng kinh tế, tiêu dùng và việc làm gần đây như đã đề cập ở phần trên. Điều này phần nào phản ánh tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed không còn nhanh như thị trường kỳ vọng sau cuộc họp tháng 9. Theo công cụ CME Fed Watch Tool, sự thay đổi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ chậm hơn so với trước đó. Dự báo vào đầu tháng 10 cho thấy Fed sẽ giảm lãi suất về mức 3,00 – 3,25% vào tháng 6/2025 với xác suất 34%. Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 tháng, công cụ này đã cho xác suất là 36% Fed sẽ giảm lãi suất về mức 3,75 – 4,00% vào tháng 6/2025 và mức 3,00 – 3,25% chỉ còn 24%.
Thứ hai là diễn biến lợi suất TPCP trong ngắn hạn còn chịu ảnh hưởng của kỳ vọng liên quan đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, khi các nhà đầu tư yêu cầu lợi suất cao hơn để bù đắp rủi ro và những yếu tố không chắc chắn do chính sách kinh tế sau bầu cử Mỹ mang lại. Đồng thời, với xác suất Trump thắng cử gia tăng trong các cuộc khảo sát gần đây, nhà đầu tư trái phiếu đặt cược rằng những chính sách của Trump sau khi tái đắc cử sẽ dẫn đến kỳ vọng lạm phát cao hơn và hạn chế quy mô cắt giảm lãi suất của Fed trong các cuộc họp tiếp theo.
Ngoài ra, mức tăng thấp hơn của lợi suất TPCP kỳ hạn 2 năm (~50 điểm cơ bản từ sau cuộc họp của Fed vào tháng 9 đến nay) so với lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm cũng phản ánh kỳ vọng về một đường cong lợi suất dốc hơn. Điều này hàm ý rằng lợi suất các kỳ hạn ngắn có thể giảm nhờ các lần cắt giảm lãi suất tiếp theo của Fed nhưng lợi suất kỳ hạn dài hơn sẽ chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố mang tính cấu trúc và dài hạn hơn như chính sách tài khoá sau bầu cử tiếp tục thúc đẩy nợ công của Mỹ tăng cao hay mức lãi suất trung tính cao hơn của Fed tại cuối chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Dựa vào những lý do trên, chúng tôi cho rằng sự gia tăng lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm là một biểu hiện phản ánh một phần kỳ vọng về triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed hơn là một yếu tố mà Fed cân nhắc trong việc ra quyết trong các cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra ngay sau bầu cử vào ngày 6-7/11 tới đây.
Tốc độ khác nhau trong lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed và các NHTW lớn khác
So với Mỹ, một số NHTW lớn khác đã có những lộ trình cắt giảm lãi suất nhanh và mạnh hơn trong năm 2024. Cụ thể, NHTW Châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất tổng cộng 3 lần với quy mô 75 điểm cơ bản trong năm 2024, đưa lãi suất cơ bản về mức 3,25%. Trong khi đó, NHTW Canada cũng cắt giảm lãi suất 4 lần liên tiếp trong năm nay. Lần gần nhất với mức cắt giảm 50 điểm cơ bản đã đưa lãi suất cơ bản còn 3,75%. Tại khu vực Châu Âu, NHTW Anh (BoE) có các bước cắt giảm lãi suất điều hành chậm hơn khi chỉ mới cắt giảm một lần duy nhất trong tháng 8 với mức giảm 25 điểm cơ bản và giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 5,0% trong cuộc họp tháng 9.
Tại khu vực châu Á, chính sách tiền tệ của các NHTW có phần thận trọng hơn. Mới đây, NHTW Hàn Quốc (BoK) đã giảm lãi suất chính sách lần đầu tiên trong vòng 4 năm, đưa lãi suất cơ bản về mức 3,25%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc với tuyên bố nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ vào tháng 9 cũng chỉ mới giảm các lãi suất điều hành từ 30-50 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay.
Tại châu Á, diễn biến điều hành chính sách tiền tệ của NHTW Nhật Bản (BoJ) cũng là một câu chuyện nổi bật. Sau khi kết thúc chính sách lãi suất âm kéo dài gần hai thập kỷ vào tháng 3/2024, BoJ đã bất ngờ nâng lãi suất điều hành lên 0,25% vào tháng 7/2024. Mặc dù giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp cuối tháng 10/2024, BoJ có thể vẫn chờ đợi cơ hội tăng lãi suất điều hành thêm 25 điểm vào cuối năm nay.
Như vậy, ngoại trừ BoJ, xu hướng cắt giảm lãi suất của các NHTW là phổ biến tuy nhiên tốc độ của mỗi khu vực/quốc gia là khác nhau. Động thái cắt giảm lãi suất có thể được thúc đẩy bởi diễn biến nội tại là tăng trưởng kinh tế yếu đi và áp lực lạm phát thấp hơn như các nước thuộc khu vực Eurozone. Đồng thời, việc điều hành chính sách cũng có thể phụ thuộc diễn biến từ bên ngoài, chẳng hạn như NHTW ở khu vực Châu Á có vẻ vẫn còn chờ đợi tín hiệu cắt giảm lãi suất từ Fed để thực hiện các bước đi tiếp theo. Chênh lệch trong lãi suất điều hành giữa Fed và các NHTW khác là một yếu tố củng cố sức mạnh của đồng USD trong năm 2024, tuy nhiên, đằng sau đó vẫn là tương quan về sức mạnh kinh tế giữa các nước. Bất chấp kết quả bầu cử sắp tới thì sự khác biệt về tăng trưởng và lãi suất thực giữa Mỹ và các nước khác cũng sẽ là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến triển vọng của đồng USD trong năm 2025.