Điểm nhấn tài chính
- Doanh thu Q2/24 tăng 33% svck lên 814 tỷ đồng nhờ vào hoạt động thu phí BOT và mảng xây dựng.
- Lợi nhuận ròng Q2/24 chỉ tăng 12% svck lên 106 tỷ đồng trong bối cảnh biên lợi nhuận xây dựng giảm 2,3% và chi phí lãi vay cao hơn. Kết quả này phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi và hoàn thành 54% dự phóng cả năm.
- Tỷ lệ Nợ ròng/VCSH của HHV ít thay đổi sv quý trước, duy trì ở mức 2x vào cuối Q2/24.
Luận điểm đầu tư
Tăng trưởng đầu tư công mạnh mẽ của Việt Nam vẫn được duy trì trong dài hạn: Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp cơ sở hạ tầng đưa Việt Nam trở thành trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy đô thị hóa, chúng tôi tin rằng đầu tư công sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc với mức tăng trưởng kép CAGR đạt 10-14% (tính theo VND) cho đến năm 2030.
Tuy nhiên, đầu tư công sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2025: Quý cuối cùng trong năm luôn là thời điểm chính phủ giải ngân vốn đầu tư công mạnh nhất. Chúng tôi kỳ vọng giải ngân năm 2024 sẽ hoàn thành 95% trong tổng số khoảng 680.000 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% svck. Chúng tôi cho rằng mức giải ngân hàng năm đạt 600.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2024-2025 là khả thi và sẽ vượt mục tiêu đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Giá trị backlog của HHV vẫn lớn nhưng đang giảm so với cuối năm 2023: Giá trị backlog ước tính của HHV vào cuối 6T23 là khoảng 2.900 tỷ đồng, giảm so với 3.600 tỷ đồng vào cuối năm 2023.
Thực hiện dự án BT sẽ tiếp tục gây áp lực lên biên LN gộp mảng xây dựng: Chúng tôi dự phóng biên lợi nhuận gộp năm 2024 vẫn sẽ ở mức thấp là 4-5% vì phần lớn doanh thu của HHV đến từ các dự án BT, vốn thường có biên lợi nhuận gộp thấp hơn các dự án PPP.
Các vấn đề về dòng tiền mảng thu phí BOT đang được tìm cách giải quyết: Chúng tôi kỳ vọng dự án Đèo Cả sẽ nhận được 1.180 tỷ đồng là phần vốn góp cam kết của Nhà nước theo hợp đồng ban đầu vào Q4/24. Đối với dự án BOT Bắc Giang-Lạng Sơn, vẫn chưa có giải pháp rõ ràng nào cho việc không đạt được mức ROE cam kết.