1) Tổng quan thị trường trong tháng 10:
VN-Index giảm 1,82% MoM trong tháng 10, chấm dứt đà tăng kéo dài ba tháng trong bối cảnh các yếu tố khó lường xoay quanh lộ trình hạ lãi suất của Fed và kết quả tranh cử Tổng thống Mỹ đã khiến nhà đầu tư có phần thận trọng hơn trước các quyết định giải ngân. Dù vậy, nhịp điều chỉnh của tháng 10 có phần phù hợp với diễn biến chung trong khu vực; đồng thời đóng vai trò như một giai đoạn hạ nhiệt cần thiết cho thị trường và được xem như một phản ứng mang tính chu kỳ thường xảy ra vào đầu mỗi quý khi các nhà đầu tư chuẩn bị trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh. Trong đó, tổng lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE đã vượt dự báo ban đầu của chúng tôi, với tổng lợi nhuận sau thuế đạt 106 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 27,8% YoY. Các động lực tăng trưởng chính bao gồm sự phục hồi trong các ngành Bán lẻ, Tiện ích, Bất động sản, và xu hướng tăng trưởng lợi nhuận bền vững đến từ ngành Công nghệ thông tin.
2) Hoạt động giao dịch trong tháng 10:
Thanh khoản tiếp tục ảm đạm trong tháng thứ tư liên tiếp, với giá trị giao dịch bình quân hàng ngày đạt 14 nghìn tỷ đồng (+3,2% MoM). Một diễn biến đáng chú ý là việc Commonwealth Bank of Australia bán thỏa thuận một lượng lớn cổ phiếu VIB trị giá 5,4 nghìn tỷ đồng, sau quyết định giảm giới hạn sở hữu nước ngoài của VIB. Nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận bán ròng 4,43 nghìn tỷ đồng nếu không bao gồm động thái thoái vốn của CBA Các quỹ ETF tiếp tục rút ròng 6,6 triệu USD trong tháng 10; dù vậy, lượng rút ròng đã giảm đáng kể so với đầu quý 2.
3) Triển vọng trong tháng 11:
- Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2025 đã trở nên rõ ràng hơn khi các yếu tố khó lường của tháng 10 xoay quanh lộ trình hạ lãi suất của Fed và kết quả tranh cử Tổng thống Mỹ đã hoàn toàn được phản ánh vào bối cảnh thị trường hiện tại.
- VN-Index được kỳ vọng sẽ giao dịch trong khoảng 1.250-1.300 điểm trong thời gian còn lại của năm, với khả năng đạt mức 1.300 điểm. Dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, bất động sản khu công nghiệp được dự đoán sẽ hưởng lợi từ chiến lược đa dạng hóa “Trung Quốc + 1”, nhưng tác động đến dòng vốn FDI đới với thị trường Việt Nam dự kiến sẽ duy trì xu hướng ổn định trước đó.
- Các rủi ro chính cần theo dõi bao gồm lộ trình hạ lãi suất của Fed, áp lực tỷ giá tại Việt Nam, và đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi tổng dư nợ trái phiếu chậm trả đã đạt 189 nghìn tỷ đồng và áp lực từ các trái phiếu bị trì hoãn dự kiến sẽ trở lại sau khi thời hạn ân hạn kết thúc, tác động đến thị trường trái phiếu trong thời gian còn lại của 2024 và kéo dài đến năm 2025.
4) Định giá
Sau nhịp điều chỉnh trong tháng 10, hệ số P/E của VN-Index đã giảm đáng kể về biên dưới của tứ phân vị trong biên độ lịch sử 10 năm qua. Sự điều chỉnh trong định giá đồng thời trùng hợp với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tại sàn HOSE đã được cải thiện đáng kể trong quý 3/2024, thể hiện qua các chỉ số ROE và EPS toàn thị trường đã phục hồi phần nào so với quý 2.
Tuy vậy, diễn biến của VN-Index vẫn chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các cổ phiếu thuộc rổ VN30, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn trong nhóm Ngân hàng. Trong khi đó, định gi của các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục trở nên “đất” hơn so với tháng trước mặc dù kết quả kinh doanh tương đối kém ấn tượng so với các cổ phiếu blue-chip.
Hiện tại, hệ số P/E 14,6 của VN-Index vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút sự tham gia rộng rãi của nhà đầu tư, minh chứng là sáu lần thất bại liên tiếp trong việc vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm. Động lực tăng trưởng của thị trưởng từ đầu năm đến nay chủ yếu tập trung vào cổ phiếu Ngân hàng, cùng với một số cổ phiếu có k quả kinh doanh đột phá như FPT. Trong khi đó, các ngành khác gặp khó khăn trong việc thu hút dòng vốn, do các động lực tăng trưởng dự kiến từ đầu năm 2024 chưa hoàn toàn trở nên hiện hữu.
Giai đoạn tích lũy kéo dài của chỉ số kể từ tháng 4, dao động trong khoảng 1.200 đến 1.300 điểm, sẽ là một điểm nghẽn cần phải theo dõi khi động lực bứt phá trong những tháng tới sẽ phụ thuộc nhiều vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025, và được thúc đẩy bởi một số yếu tố chính:
- Đẩy mạnh đầu tư công (hiện đạt 52,3% mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ trong 10 tháng đầu năm 2024);
- Phục hồi trong hoạt động tiêu dùng và sản xuất vào năm 2025;
- Nỗ lực kịp thời để đạt được trạng thái nâng hạng thị trường FTSE nhằm thu hút dòng vốn ngoại (dự kiến nâng hạng vào khoảng tháng 9 năm 2025);
- Ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và việc triển khai chính sách tiếp theo.