TRIỂN VỌNG VĨ MÔ 2025: VẬN HỘI MỚI
Chúng tôi kỳ vọng năm 2025 là năm khởi đầu cho vận hội mới của đất nước với triển vọng tăng trưởng ổn định đi cùng với nhiều thay đổi mang tính nền tảng.
• Các động lực tăng trưởng từ năm cũ có thể tiếp sức cho kinh tế năm 2025 là xuất khẩu, sự cải thiện của tiêu dùng và đầu tư bên cạnh những yếu tố mới bổ sung vào đầu tư công có thể giúp tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 6,8%.
• Về chính sách tiền tệ, chúng tôi cho rằng NHNN tiếp tục cân đối mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát tỷ giá. Lãi suất điều hành giữ nguyên trong khi lãi suất huy động và cho vay có thể tăng nhẹ, chủ yếu do tác động của nhu cầu vốn cao hơn.
• Dự báo tỷ giá năm 2025 là tương đối khó khăn, áp lực mất giá với tiền đồng sẽ duy trì và thậm chí có thể tăng cường nếu Mỹ áp thuế đối với hàng xuất khẩu Việt Nam (dù xác suất xảy ra thấp).
• Năm 2025 là năm chuyển giao của chính sách tài khoá, rút dần các hỗ trợ từ Covid-19 để tập trung nguồn lực cho cải cách tiền lương và chi đầu tư phát triển.
• Dựa trên bức tranh triển vọng trên, chúng tôi lựa chọn phân tích 5 chủ đề chính về kinh tế vĩ mô trong năm 2025 gồm:
1) Làn gió mới của cải cách, tinh giản bộ máy và các lực kéo-đẩy đối với đầu tư công.
2) Sự cải thiện của tiêu dùng và đầu tư tư nhân.
3) Triển vọng thu hút FDI trong Trump 2.0.
4) Cơ hội đối với hoạt động xuất khẩu trước các bất định về thuế quan của chính quyền Trump 2.0.
5) Khó khăn trong việc kiểm soát sự ổn định của tỷ giá.
Bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới năm 2025 sẽ đem đến cả thuận lợi và thách thức đối với Việt Nam:
• Kinh tế toàn cầu năm 2025 được kỳ vọng duy trì sự ổn định, với động lực tăng trưởng chính từ Mỹ và sự phục hồi của Nhật. Trong khi đó, Châu Âu phục hồi
chậm và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bấp bênh do những vấn đề nội tại và rủi ro thuế quan.
• Lạm phát toàn cầu hạ nhiệt nhờ giá năng lượng duy trì ổn định và lạm phát dịch vụ giảm dần. Chính sách tiền tệ toàn cầu vẫn nghiêng về nới lỏng nhưng tốc độ cắt giảm lãi suấtsẽ phân hoá, trừ Nhật Bản là ngoại lệ.
• Các rủi ro địa chính trị và thương mại tiếp tục tạo bất ổn, gây áp lực lên chuỗi cung ứng và triển vọng tăng trưởng toàn cầu.